Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Catnap là gì? Nguyên nhân và biện pháp hiệu quả cho mẹ
Bùi Thị Thu Hoàn
Ngày đăng: 11/03/25
Nếu mẹ đang bối rối vì con ngủ quá ngắn, dễ giật mình và quấy khóc sau mỗi giấc ngủ, thì có thể bé đang gặp phải hiện tượng Catnap. Vậy Catnap là gì và vì sao tình trạng này lại ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé. Cùng mình tìm hiểu nguyên nhân và cách giải pháp ngay dưới đây nhé
Catnap là gì ở trẻ?
Catnap là hiện tượng trẻ có những giấc ngủ ngắn vào ban ngày, thường kéo dài từ 30 – 45 phút, sau đó tỉnh dậy nhưng không thể tự ngủ lại. Đây là hiện tượng khá phổ biến, đặc biệt trong giai đoạn 6 tuần – 6 tháng tuổi, do bé chưa thể tự chuyển giấc.
Những dấu hiệu nhận biết catnap gồm: Trẻ ngủ rất ngắn, hay tỉnh giấc giữa chừng, khó ngủ lại dù đã được dỗ dành, hoặc có xu hướng quấy khóc nhiều do thiếu ngủ. Nếu trẻ vẫn vui vẻ, ăn uống tốt thì catnap có thể là bình thường. Nhưng nếu cáu kỉnh, ngủ không đủ giấc và ảnh hưởng đến sự phát triển, mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để giúp bé có giấc ngủ dài và sâu hơn.

Nguyên nhân khiến catnap ở trẻ sơ sinh
Hiểu đúng nguyên nhân khiến catnap ở trẻ sơ sinh là bước đầu tiên để giúp bé cải thiện giấc ngủ. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị catnap.
Bé bị đói hoặc ăn không hiệu quả
Một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị catnap là do chưa được bú đủ hoặc ăn không hiệu quả. Khi bé bú chưa no, ăn vặt nhiều lần hoặc bú sai khớp ngậm, Trẻ sơ sinh dễ bị gián đoạn giấc ngủ vì đói bụng. Ngược lại, nếu ăn quá no, bị đầy bụng, khó tiêu, cảm giác khó chịu cũng khiến trẻ tỉnh giấc sớm. Vì vậy, việc ăn uống khoa học và đúng cách có ảnh hưởng lớn đến chất lượng giấc ngủ của trẻ.
Thời gian thức không phù hợp
Mỗi giai đoạn phát triển, trẻ có một khoảng thời gian thức phù hợp trước khi bước vào giấc. Nếu bé thức quá ít, chưa đủ mệt nên khó ngủ sâu và dễ bị catnap. Ngược lại, nếu bé thức quá lâu, hệ thần kinh bị kích thích quá mức, dẫn đến căng thẳng, quấy khóc, khó vào giấc và ngủ không sâu.

Môi trường ngủ không lý tưởng
Nếu phòng ngủ quá sáng, có nhiều tiếng ồn hoặc nhiệt độ không phù hợp, trẻ nhỏ sẽ dễ bị giật mình và tỉnh giấc giữa chừng. Ngoài ra, trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các yếu tố xung quanh, chẳng hạn như quần áo quá nóng, quá lạnh hoặc không gian quá chật chội, khiến trẻ không thể ngủ sâu.
Bé lệ thuộc vào người khác khi ngủ
Nhiều trẻ có thói quen chỉ ngủ khi được bế ru, đung đưa hoặc ti mẹ. Khi bé đã quen với cách này, sẽ khó có thể tự ngủ lại khi bị tỉnh giấc giữa chừng. Điều này dẫn đến tình trạng catnap ở trẻ sơ sinh, vì bé không thể tự xoay sở khi đến giai đoạn chuyển giấc.

Tuần khủng hoảng (Wonder Weeks)
Trong những tuần khủng hoảng (Wonder Weeks), trẻ sơ sinh có sự phát triển mạnh mẽ về não bộ, nhận thức và kỹ năng. Những thay đổi này khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn, ngủ kém hơn và dễ bị catnap. Các giai đoạn Wonder Weeks thường xảy ra vào tuần 5, 8, 12, 19, 26, 37, và mỗi lần kéo dài vài ngày đến vài tuần. Trong những giai đoạn này, bé thường khó ngủ, quấy khóc và gặp nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn bình thường.
Ảnh hưởng của catnap đến sự phát triển của trẻ
- Tác động đến thể chất: Catnap ở trẻ sơ sinh khiến bé ngủ không đủ sâu, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chiều cao, cân nặng do thiếu hụt hormone tăng trưởng (GH). Ngoài ra, hệ miễn dịch của bé cũng suy giảm, dễ mắc bệnh hơn. Một giấc ngủ ngắn và không trọn vẹn còn làm rối loạn hệ tiêu hóa, khiến bé khó hấp thu dinh dưỡng, dễ bị đầy hơi, táo bón.
- Tác động đến tinh thần: Trẻ sơ sinh ngủ không đủ giấc sẽ cáu gắt, quấy khóc, khó tập trung vào các hoạt động trong ngày. Ngoài ra, giấc ngủ ngắn khiến não trẻ không kịp xử lý thông tin, làm giảm khả năng ghi nhớ và học hỏi. Nếu kéo dài, bé có thể hình thành thói quen ngủ không tốt, dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Giải pháp khắc phục catnap ở trẻ sơ sinh
Điều chỉnh thời gian giờ giấc ngủ ở bé
Mỗi độ tuổi có thời gian thức phù hợp, nếu bé thức quá ít hoặc quá lâu sẽ dễ bị catnap. Dưới đây là thời gian thức tối ưu theo từng giai đoạn:
Độ tuổi | Thời gian thức tối đa |
0 – 6 tuần | 30 – 60 phút |
6 – 12 tuần | 60 – 90 phút |
3 – 4 tháng | 1.5 – 2 giờ |
5 – 6 tháng | 2 – 2.5 giờ |
Theo dõi dấu hiệu buồn ngủ của bé và điều chỉnh lịch sinh hoạt hợp lý giúp hạn chế tình trạng catnap ở trẻ sơ sinh.
Tạo môi trường ngủ lý tưởng
Trẻ ngủ ngon hơn khi phòng tối, yên tĩnh và nhiệt độ ổn định (26 – 28°C). Tránh để phòng quá sáng hoặc có tiếng ồn đột ngột. Mẹ có thể dùng tiếng ồn trắng (white noise) để giúp bé ngủ sâu hơn.

Sử dụng nút chờ
Khi tỉnh giấc sau 30 – 45 phút, thay vì bế ngay, mẹ hãy chờ 2 – 5 phút để bé có cơ hội tự ngủ lại. Nếu bé vẫn quấy khóc, mẹ có thể vỗ nhẹ hoặc đặt tay lên người bé để trấn an.
Hỗ trợ bé tự ngủ
Giúp bé ngủ ngon mà không cần phụ thuộc vào bế ru, đung đưa hay ti mẹ bằng cách:
- Đặt bé xuống cũi khi còn tỉnh nhưng buồn ngủ.
- Tạo thói quen ngủ cố định như tắm nước ấm, đọc sách, hát ru.
- Đảm bảo giờ giấc ngủ nghỉ ổn định mỗi ngày.
Sử dụng phương pháp “Wake to Sleep”
Đây là cách giúp bé kéo dài giấc ngủ và tránh bị tỉnh giấc giữa chừng:
- Theo dõi xem trẻ thường bị catnap vào khoảng thời gian nào (ví dụ: sau 30 phút ngủ).
- Trước thời điểm đó 5 – 10 phút, nhẹ nhàng chạm vào người bé hoặc vỗ nhẹ để bé chuyển giấc mà không thức dậy hoàn toàn.
Catnap ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến nhưng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và sự phát triển của trẻ. Hy vọng với những thông tin mà Ebeoi chia sẻ, mẹ đã hiểu rõ nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả. Hãy kiên nhẫn áp dụng để giúp bé có giấc ngủ dài, sâu hơn, từ đó phát triển khỏe mạnh và vui vẻ mỗi ngày!